Cây cao su là cây trồng đa mục đích. Nó không chỉ là cây công nghiệp mà là cây lâm nghiệp có tính phòng hộ cao, hiện đang được xác định là cây chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần chuyển rừng nghèo sang rừng giàu.
Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 1,1 triệu ha. Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, rừng ở Nghệ An chủ yếu vẫn là rừng tái sinh sau khai thác, giá trị kinh tế thấp.
Những năm gần đây thực hiện chủ trương của TƯ, Nghệ An đã triển khai chương trình trồng rừng theo các dự án nhưng vẫn chưa tạo được đột phá về kinh tế rừng. Vì thế, đổi mới cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị trên diện tích rừng sản xuất luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo.
|
Vườn ươm cây cao su của công ty tại xã Thanh Đức - Thanh Chương.
|
Sau hơn 3 năm tiến hành khảo sát Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã khẳng định: Khí hậu, thổ nhưỡng Nghệ An rất thích hợp với khả năng phát triển cây cao su.
Tại địa bàn Nghệ An, một số doanh nghiệp như: Công ty Đầu tư & phát triển cao su cà phê, Công ty Nông nghiệp Sông Con, Công ty Cây ăn quả đã trồng kinh doanh cây cao su, kết quả, cho thu hoạch 0,9-1 tấn mủ khô (tương đương 50-60 triệu/ha/năm).
Còn ở Quảng Trị -vùng đất cằn cỗi cũng đạt 1-1,5 tấn mủ khô/ha/năm, giá trị thu nhập 60-90 triệu đồng/ha/năm. So với các cây trồng trước đó (kể cả cây nguyên liệu giấy hiện nay) thì cây cao su vẫn là cây trồng cho thu nhập vượt trội. Ngoài cho sản phẩm mủ liên tục 25-30 năm, khi thanh lý gỗ cao su cũng bán rất được giá.
Các nhà khoa học lâm nghiệp đánh giá cao tính ưu việt của cây cao su và cho rằng nó vừa là cây lâm nghiệp mang tính phòng hộ cao vừa là cây công nghiệp lâu năm tạo ra sản phẩm xuất khẩu giá trị nên được chọn là cây trồng chính để cải tạo rừng nghèo. Qua thực hiện dự án trồng cao su ở Quảng Trị, Hà Tĩnh, cũng như các tỉnh Tây Nguyên thì cao su đã mang lại lợi ích nhiều mặt.
Ngoài giải quyết việc làm nâng cao đời sống, cây cao su còn góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp cho ngân sách địa phương cao hơn mức trước khi chuyển đổi trồng cao su. Mặt khác, cây cao su đi đến đâu hạ tầng kỹ thuật, việc làm, đời sống của người lao động phát triển bền vững đến đó, cho nên dự án phát triển cây cao su không còn bó hẹp đơn thuần về kinh tế mà còn mang tính xã hội cao.
Xuất phát từ lợi ích nhiều mặt của chương trình phát triển cây cao su, UBND tỉnh đã cho phép Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thành lập Công ty triển khai Dự án trồng cây cao su với tiêu chí: không phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng khoanh nuôi bảo vệ; tổ chức phát triển cây cao su phù hợp với quy hoạch của tỉnh; cây cao su không cạnh tranh với các cây trồng khác nếu cây trồng đó có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tháng 3 năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho phép Công ty được triển khai Dự án trồng cây cao su với diện tích 7.000 ha trên vùng đất thuộc Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn; Đội 1, Đội 4 Công ty Lâm nghiệp Yên Thành; Tổng đội TNXP 6 - XDKT và các địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển cao su của tỉnh, với hình thức đầu tư phát triển cao su đại điền, có nghĩa là Công ty Đầu tư và quản lý toàn bộ diện tích đất được tỉnh cho thuê, quá trình quản lý sản xuất Công ty sẽ giao khoán cho người lao động từ 3-5 ha/công nhân.
Người công nhân sẽ được hưởng lương chăm sóc và khai thác, tổ chức sản xuất theo kế hoạch và kỹ thuật của Công ty. Với diện tích 7.000 ha theo giấy phép đầu tư, Công ty xây dựng ít nhất 4 nông trường tại 4 huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Yên Thành và Quế Phong. Mỗi nông trường qui mô khoảng 1.500 ha cao su với khoảng 350-400 công nhân. Khi có sản phẩm công ty xây dựng nhà máy chế biến công suất 10.000 - 15.000 tấn/năm, sản phẩm đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đối với thị trường Mỹ và Châu Âu.
Ông Phạm Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: Công ty sẽ vận hành sản xuất theo cơ chế khoán. Lao động được tuyển dụng theo 2 nguồn chính: Tiếp nhận lao động của các đơn vị có đất bị thu hồi (nếu người lao động có nhu cầu) và tuyển dụng con em trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên địa bàn có qui hoạch trồng cao su theo phương châm nhu cầu đến đâu tuyển dụng đến đó.
|
Ra quân trồng cao su đợt đầu
ở Thanh Chương
|
Đợt đầu công ty đã tiếp nhận gần 30 lao động của Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn và tuyển dụng 122 lao động của xã Thanh Đức và các xã lân cận vào làm vườn ươm, xử lý thực bì và đào hố chuẩn bị cho chiến dịch trồng cao su vụ thu. Người lao động khi mới vào làm việc bước đầu còn nhiều khó khăn, nơi ăn chốn ở chưa được tốt nhưng việc làm ổn định, thu nhập khá.
Tháng đầu 100% lao động đều đạt mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người. Ngoài ra, nông trường còn hỗ trợ mỗi ngày mỗi người 10 ngàn đồng tiền ăn giữa ca. Người dân được tuyển dụng vào công ty rất phấn khởi và tin tưởng vào sự phát triển bền vững của dự án. Theo phương án sản xuất, khi bước vào thời kỳ kinh doanh, mức thu nhập đạt khoảng 2,5-3 triệu đồng/người.
Cơ sở để xây dựng mức lương này được tính với giá bán là: 40 triệu đồng/tấn và giá bán hiện nay tại cửa kho là 66 triệu đồng/tấn, giá thành sản xuất hiện nay là 36 triệu đồng/tấn, cơ cấu tiền lương 420 đồng/1.000 đồng doanh thu.
Hiện tại Công ty đang phối hợp với các phòng Nội vụ 2 huyện: Anh Sơn và Thanh Chương tiếp tục tuyển chọn hồ sơ để tiếp nhận thêm lao động khi quỹ đất được bàn giao. Dự kiến số lao động của Công ty sẽ tuyển dụng trên diện tích 7.000 ha là khoảng 2.000 người.
Ông Nguyễn Thọ Cảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá cao về sự nỗ lực của Tập đoàn Cao su mà trực tiếp là Công ty CP cao su Nghệ An. Thời gian qua, công ty đã phối hợp chặt chẽ với Sở, đặc biệt là các huyện, các công ty nằm trong vùng dự án để triển khai các bước đẩy nhanh tiến độ thu hồi, thuê đất, xây dựng vườn ươm, chuẩn bị giống, hiện trường trồng mới.
Và để đảm bảo kế hoạch trồng mới ngay sau khi tiếp nhận diện tích đất, công ty đã huy động nhân lực và phương tiện máy cơ giới khẩn trương xử lý thực bì, đào hố. Sự kiện gây dấu mốc đối với công ty là ngày 12 tháng 9 - đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh; lễ ra quân trồng mới 1.000 ha cao su năm 2010 của Công ty được tổ chức trọng thể.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ, Ngành TƯ, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tham gia phát lệnh trồng cao su mở đầu cho chương trình, dự án trọng điểm phát triển cây cao su trên diện tích đất lâm nghiệp với mục tiêu chuyển nhanh diện tích rừng nghèo sang rừng giàu, giúp người dân sống cận rừng vươn lên làm giàu chính đáng.
Sau lễ ra quân trồng mới, Công ty đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; tích cực phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB và tiếp nhận đất để trồng mới kịp thời vụ.
Với sự cố gắng của cán bộ CNV lao động toàn công ty đến nay Công ty đã tiếp nhận gần 2.000 ha đất từ Công ty lâm nghiệp Anh Sơn tại huyện Thanh Chương và Anh Sơn, tổ chức khai hoang, đào hố 200 ha và trồng mới 50 ha cao su.
Công ty tuy mới thành lập còn nhiều khó khăn nhưng đã phối hợp với các tổ chức đơn vị đoàn thể tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện như: Ưu tiên sử dụng bố trí việc làm cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, tổ chức thăm hỏi chi ủng hộ đồng bào bị thiên tai do lũ quét năm 2007, lốc xoáy năm 2008 tại các huyện: Quế Phong, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp với tổng số tiền hơn 150 triệu đồng.
Ngoài ra, thừa uỷ quyền của lãnh đạo Tập đoàn CNCS Việt Nam thăm hỏi ủng hộ đồng bào bị mưa đá, lốc xoáy năm 2009 tại huyện Tân Kỳ 60 triệu đồng, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo tỉnh 200 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi tặng quà các cựu TNXP khó khăn tại làng Lòi - Yên Thành; góp phần cùng địa phương chia sẻ những khó khăn với các đối tượng. Nghĩa cử này đã được Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Nghệ An ghi nhận.
Văn Đoàn