Nghệ An - vùng tiềm năng cây cao su
Nghệ An là một trong những tỉnh tiếp nhận cây cao su từ khá lâu nhưng do sự quan tâm chưa đúng mức nên hiệu quả kinh tế đưa lại chưa cao. Tuy nhiên, đến nay, Nghệ An đã đặt cây cao su đúng tầm và bắt đầu tạo ra một luồng sinh khí mới về phát triển loại cây này.
Đánh thức tiềm năng
Ông Nguyễn Thọ Cảnh - Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho hay: "Nghệ An là tỉnh có nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc, đất rừng nghèo kiệt, sản xuất kém hiệu quả. Đa số diện tích này từ trước tới nay chủ yếu phát triển các loại cây keo, tràm, bạch đàn, bồ đề...
Vì thế sau khi có chủ trương của Tập đoàn CNCS Việt Nam, Nghệ An đã thực hiện dự án trồng mới cao su, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch tổng thể 30.600 ha đất để phát triển cao su, trong đó số diện tích cao su đã có ở các huyện miền núi và các nông trường là 7.000 ha, nay tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt để trồng cho được trên 23.000 ha cao su từ nay đến năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Sở NN-PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về công tác quy hoạch, chuyển đổi đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng kịp thời cho các doanh nghiệp trồng 1.000 ha và Cty CP cao su Nghệ An (thuộc Tập đoàn CNCSVN) trồng 2.000 ha ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳnh Lưu, Yên Thành và Anh Sơn trong năm 2010 này".
Cũng theo ông Cảnh: Ngày 5/4/2010 vừa qua, Sở đã báo cáo lên UBND tỉnh về việc đề nghị xin trả đất của 2 Cty Lâm nghiệp Anh Sơn và Yên Thành để giao cho Cty CP đầu tư phát triển cao su Nghệ An tiếp nhận khai hoang trồng mới, trong đó Cty lâm nghiệp Anh Sơn đề nghị trả 6.843,8 ha, Cty lâm nghiệp Yên Thành đề nghị trả nguyên trạng diện tích phạm vi đội 1 và đội 4 với 2.700 ha. Tổng quỹ đất ban đầu tỉnh Nghệ An sẽ giao cho Tập đoàn CNCSVN là 9.543,8 ha. Theo đó hàng chục ngàn ha đất rừng ngủ quên lâu nay, từ đây sẽ được đánh thức bằng loại cây được mệnh danh "vàng trắng".
Anh Sơn sẽ là "thủ phủ"
Chúng tôi vừa có chuyến công tác lên huyện miền núi Anh Sơn ở miền Tây xứ Nghệ với đoàn công tác Tập đoàn CNCSVN. Được biết, trong tương lai, Anh Sơn có thể trở thành "thủ phủ" của cây cao su bởi tiềm năng đất đai rất nhiều lại phì nhiêu, phù hợp cho cây cao su phát triển. Cty lâm nghiệp Anh Sơn từ trước tới nay chỉ phân vùng sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu các loại cây giang, mây, nứa tép và các loại cây sản xuất kém hiệu quả. Phó Giám đốc Cty Nguyễn Đình Tuấn dẫn đoàn đi khảo sát thực địa. Cả một vùng đồi núi bao la này chỉ có một ít diện tích keo, tràm, bồ đề nhưng xem ra chẳng đưa lại hiệu quả gì đáng kể.
Tại đội 2, bản Cao Vều có 144 hộ với trên 1.400 nhân khẩu là đồng bào Thái, thuộc tiểu khu 969, có 200 ha chủ yếu đất rừng sản xuất kém hiệu quả nay cần được chuyển đổi sang trồng cao su. Đồng bào cũng mong muốn sớm được đưa cây cao su về trồng. Ngoài ra, các tiểu khu 70, 940, 943 trong tổng thể quy hoạch của tỉnh 4.666,6 ha cũng được đưa vào trồng toàn bộ cao su. Tất cả số diện tích nói trên chủ yếu là rừng giang nứa, cây leo bụi rậm chưa được chuyển đổi, số còn lại cũng là rừng sản xuất kém hiệu quả. Một nông dân thấy đoàn về khảo sát trồng cao su, ông phấn khởi, nói: "Nếu Chính phủ đưa cây cao su về thay thế cây bồ đề, cây măng, cây tre già cỗi kia thì dân chúng tôi phấn khởi lắm. Đọc báo, nghe đài thấy cây cao su về đến đâu, làm giàu cho dân đến đó, dân chúng tôi mong lắm".
Qua một buổi thị sát thực địa, trở về trung tâm, ông Phạm Văn Hằng - Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Tập đoàn CNCSVN cho rằng: "Nếu thực hiện đúng với quy hoạch của tỉnh thì vùng đất Anh Sơn này nơi nào cũng phát triển được cây cao su bởi cả vùng chủ yếu là đất bazan dày. Nếu đưa các giống cao su như RIM 712, RIM 600, RIV 1, RIV 3, RIC 121, Lai hoa 90, 952... thì sẽ rất hợp với chất đất này".
Nguồn (vinaruco.com.vn)